Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” sau đại dịch Covid-19.
Logistics Việt Nam trước cơ hội “vàng” sau đại dịch Covid-19
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát buộc các nước áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động logistics, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA), đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến 15% doanh nghiệp (DN) bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế từ 10%-30% so với cùng kỳ năm 2019.
Những khó khăn nội tại của ngành sản xuất và logistics chưa được giải quyết đã trở thành “điểm nghẽn” trước tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh so với mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Malaysia... cả về nông sản, lẫn may mặc.
Chi phí dịch vụ logistics cao làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đồng thời, năng lực cạnh tranh của các DN kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới...
Thời gian tới, ngành Logistics Việt Nam dự báo tiếp tục đối diện với không ít khó khăn, thách thức do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, vận tải đường biển thiếu hụt container rỗng phục vụ xuất khẩu (do ảnh hưởng giãn cách xã hội toàn cầu), giá cước vận tải có xu hướng tăng...
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, ngành Logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng sẽ khiến logistics trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội phát triển. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có hiệu lực đã và sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, các dự báo của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế Việt Nam như: GDP tiếp tục tăng trưởng dương, cán cân thương mại giữa Việt Nam với thế giới tiếp tục thặng dư... cho thấy, sản xuất, kinh doanh, thương mại đang hồi phục, DN logistics có thể tận dụng cơ hội để tăng tốc sau thời gian suy giảm, do tác động của dịch Covid-19.
Trong đó, điểm mấu chốt giúp cho ngành Logistics Việt Nam hồi phục tăng trưởng thời điểm hiện nay và cả năm 2021, đó là khả năng kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là những yếu tố giúp ngành Logistics Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như khi chưa có đại dịch Covid-19.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Chiến lược phát triển ngành Dịch vụ logistics đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng của dịch vụ logistic đạt khoảng từ 15%-20%/năm, chiếm tỷ trọng từ 8%-10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 50%-60%; chi phí logistics giảm tương đương từ 16-20% GDP. Để có thể đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đối với cơ quan quản lý: Cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực logistics đảm bảo tính ổn định, đồng bộ; đồng thời, tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí cho người dân, DN. Triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động logistics.
Cùng với đó, khẩn trương, rà soát các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành Logistics; Bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nghiên cứu đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối thông suốt với các cảng biển, các tuyến vận tải. Ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn...
Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm logistics trên cả nước; Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới, nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; chỉ rõ “điểm nút” trong chi phí logistics để tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo đột phá trong phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics...
Đối với hiệp hội nghề nghiệp: Cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Logistics. Phối hợp khảo sát, tìm hiểu xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế... Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm triển khai công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ dựa trên các khóa đào tạo thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện nhân lực về logistics....
Đối với cộng đồng doanh nghiệp logistics: Cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hầu hết trong các khâu của logistics. Đổi mới mô hình, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chủ động tìm kiếm, liên kết với các DN quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
[Theo Tạp chí tài chính: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trien-vong-cua-nganh-dich-vu-logistics-viet-nam-sau-dai-dich-covid19-333725.html]